Ủy ban nhân dân phường Phúc Thành
Thứ sáu, 10/05/2024
Trang thông tin điện tử UBND Phường Phúc Thành

Những kết quả đạt được trong công tác điều động, luân chuyển cán bộ, công chức trên địa bàn Tp Ninh Bình

Thứ hai, 01/02/2016 Đã xem: 500

Những năm vừa qua, Ban thường vụ Thành uỷ và các cấp uỷ Đảng của thành phố xác định rõ ý nghĩa tầm quan trọng của công tác điều động, luân chuyển cán bộ, đã tập trung chỉ đạo, triển khai, tổ chức thực hiện đảm bảo sự ổn định và đáp ứng yêu cầu phát triển của đội ngũ cán bộ, công chức của thành phố. Thành uỷ Ninh Bình đã cụ thể hoá việc thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 25/01/2002 của Bộ Chính trị về công tác luân chuyển cán bộ, lãnh đạo quản lý thành các văn bản như: Nghị quyết, quy định, kế hoạch, hướng dẫn, chương trình hành động từ thành phố đến cơ sở bảo đảm tính hiệu quả, có tác dụng thiết thực trong công tác cán bộ. Kết quả của công tác điều động, luân chuyển cán bộ, công chức trên địa bàn thành phố bước đầu đã chuẩn bị được đội ngũ cán bộ kế cận, khắc phục được tình trạng, khuynh hướng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ, phục vụ kịp thời việc đào tạo, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ, phục vụ cho công tác nhân sự của cấp uỷ và bầu cử đại biểu HĐND các cấp.

 

Từ năm 2003 đến nay, thành phố đã tiến hành luân chuyển 81 lượt cán bộ, lãnh đạo quản lý. Trong đó: luân chuyển theo chủ trương của tỉnh 26 người; luân chuyển theo chủ trương của thành phố 55 người. Từ năm 2008 đến tháng 5/2012 thành phố tiến hành điều động, luân chuyển 59 cán bộ công chức địa chính - xây dựng, tài chính, văn phòng, tư pháp giữa các xã, phường trên địa bàn; luân chuyển trên 60 cán bộ quản lý ngành giáo dục. Hầu hết các cán bộ, công chức được điều động, luân chuyển đã chấp hành nghiêm Nghị quyết, Quyết định, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác, tích cực phấn đấu, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, đoàn kết thống nhất, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

 

Thông qua công tác điều động, luân chuyển đã từng bước tạo động lực trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức; tạo điều kiện, môi trường để cán bộ, công chức rèn luyện thử thách và phát triển. Cán bộ, công chức được điều động, luân chuyển đã từng bước trưởng thành, tiếp cận nhanh với công việc mới, môi trường công tác mới, đã vận dụng và phát huy được kiến thức chuyên môn nghiệp vụ trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn gắn với công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể vững mạnh.

 

Đồng thời thành phố cũng rất quan tâm đến việc thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ luân chuyển như: ngoài chính sách hỗ trợ của tỉnh đối với cán bộ luân chuyển, thành phố hỗ trợ một lần 5 triệu đồng đối với cán bộ thành phố được luân chuyển về xã và 3 triệu đồng đối với cán bộ thành phố được luân chuyển về phường.

 

Tuy nhiên trong quá trình triển khai, thực hiện công tác điều động, luân chuyển cán bộ, công chức trên địa bàn thành phố cũng còn khó khăn vướng mắc đó là: Việc luân chuyển cán bộ từ thành phố về phường, xã và từ phường, xã về thành phố công tác còn ít; hàng năm chưa xây dựng được kế hoạch luân chuyển cán bộ, công chức; chưa có kế hoạch cụ thể trong việc bố trí, sắp xếp cán bộ sau luân chuyển; chế độ chính sách đối với cán bộ được luân chuyển chưa thực sự phù hợp để động viên, khuyến khích cán bộ luân chuyển nhận nhiệm vụ ở cơ sở.

 

Để làm tốt công tác điều động, luân chuyển cán bộ, công chức trong những năm tới, nhằm đáp ứng nguồn nhân lực của thành phố cần thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp sau:

 

Trước hết phải xây dựng quy hoạch, kế hoạch luân chuyển cán bộ. Sau khi làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cần xây dựng kế hoạch luân chuyển cán bộ theo định hướng đã được quy hoạch và đào tạo để cán bộ được rèn luyện qua thử thách trong thực tiễn công tác. Đối với cán bộ trong diện quy hoạch ở thành phố từ chức danh Trưởng phòng trở lên nhất thiết phải qua cơ sở trong khoảng thời hạn từ 2 đến 3 năm. Nếu thực hiện tốt nhiệm vụ ở cơ sở, hoặc có đề án xây dựng xã, phường có nhiều chuyển biến phát triển về kinh tế - xã hôi; quản lý đô thị. Khi rút về sẽ bố trí đúng vị trí được quy hoạch. Nếu thực hiện không tốt nhiệm vụ khi rút về sẽ chuyển nhận nhiệm vụ khác. Áp dụng nhiều hình thức điều động, luân chuyển như: luân chuyển từ thành phố về phường, xã và ngược lại; luân chuyển từ phường, xã này sang phường, xã khác; từ khối này sang khối khác…

 

Thứ hai là cần đổi mới và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, có hiệu quả trong công tác điều động, luân chuyển cán bộ, công chức; Việc luân chuyển cán bộ phải căn cứ vào tình hình thực tế, nhu cầu, nhiệm vụ chính trị của địa phường, đơn vị kết hợp xem xét năng lực, sở trường của cán bộ để bố trí luân chuyển cho phù hợp; công khai chính sách, hướng phát triển để cán bộ, công chức được luân chuyển xác định được trách nhiệm.

 

Thứ ba cần tăng cường hơn nữa việc phối hợp và cộng đồng trách nhiệm của các cơ quan chức năng, cấp uỷ, lãnh đạo địa phương, đơn vị trong công tác luân chuyển cán bộ. Đảm bảo thật tốt điều kiện cần thiết để cán bộ luân chuyển yên tâm công tác. Định kỳ hàng năm phải tiến hành nhận xét, đánh giá về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống và kết quả thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao đối với cán bộ luân chuyển. Kịp thời bổ sung và thay thế đối với cán bộ luân chuyển không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Kiên quyết xử lý nghiêm minh đối với những tư tưởng cục bộ, động cơ cá nhân làm cản trở, gây khó khăn, làm giảm uy tín cán bộ được luân chuyển.

 

Thứ tư là đề nghị cấp trên sớm có chế độ, chính sách phù hợp để hỗ trợ, động viên cán bộ luân chuyển, nhất là đối với cán bộ luân chuyển về công tác tại các xã, phường. Đồng thời có Quy chế về việc bố trí, sắp xếp cán bộ sau khi hết thời gian luân chuyển để động viên cán bộ yên tâm công tác, có động cơ phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. 

 

Trần Thị Hồng

Liên kết Website
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thông tin truy cập
  • Truy cập: 694806
  • Trực tuyến: 5
  • Hôm nay: 958