Ủy ban nhân dân phường Phúc Thành
Thứ bảy, 11/05/2024
Trang thông tin điện tử UBND Phường Phúc Thành

Các lễ hội truyền thống trên địa bàn thành phố được tổ chức trang trọng, an toàn, tiết kiệm, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch trong và ngoài Tỉnh.

Thứ năm, 20/04/2017 Đã xem: 38

Thành phố Ninh Bình có 10 lễ hội (trong đó: 8/14 xã, phường tổ chức lễ hội hàng năm và định kỳ).

Hai lễ hội diễn ra hàng năm là: Lễ hội đền Đồng Bến - phường Đông Thành và lễ hội Kỳ phúc đình làng Cam Giá- phường Ninh Khánh (tổ chức vào ngày 12/10 âm lịch). 8 lễ hội còn lại được tổ chức định kỳ ( 3 năm  1 lần) vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu ở 6 đơn vị xã, phường là: Ninh Tiến, Ninh Sơn, Bích Đào, Ninh Phong, Nam Bình, Ninh Phúc, nhằm tri ân công đức của các bậc tiền bối đã có công với nước, ôn lại truyền thống tốt đẹp” uống nước nhớ nguồn”, “ ăn quả nhớ người trồng cây”, đồng thời giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao chất lượng phong trào “ toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “ toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Để việc tổ chức các lễ hội truyền thống trên địa bàn thành phố diễn ra an toàn, đảm bảo trang trọng, thiết thực, hiệu quả, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, đặc trưng của vùng đất và con người Ninh Bình, thu hút khách du lịch trong và ngoài Tỉnh, ngay từ đầu tháng 3/2017, UBND Thành phố Ninh Bình đã thành lập Ban chỉ đạo tổ chức các lễ hội trên địa bàn ( gồm 15 thành viên do đồng chí Đinh Văn Thứ- Phó bí thư thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố làm trưởng Ban chỉ đạo, đồng chí Đinh Thị Mỹ Hạnh- Ủy viên BTV Thành ủy, Phó chủ tịch UBND Thành phố làm Phó Ban chỉ đạo), đồng thời phân công nhiệm vụ phụ trách địa bàn cho các đồng chí ủy viên.

Để các lễ hội truyền thống trên địa bàn thành phố diễn ra theo đúng kế hoạch, tại các phường Ninh Phong, Nam Bình, Bích Đào, Ninh Sơn và xã Ninh Phúc, Ninh Tiến đã thành lập Ban Chỉ đạo lễ hội (do đồng chí Bí thư Đảng ủy làm trưởng ban), Ban tổ chức lễ hội (do đồng chí Chủ tịch UBND làm trưởng ban), phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đồng chí thành viên. Lập kế hoạch về thời gian, địa điểm, nội dung, kịch bản chi tiết chương trình lễ hội …. Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh 3 cấp, tại các hội nghị, sinh hoạt chi bộ tổ dân phố, thôn, xóm về nguyên tắc, quy trình tổ chức lễ hội theo nội dung số 03 của UBND Tỉnh Ninh Bình ( quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức việc cưới, việc tang và lễ hội), ý nghĩa mục đích của lễ hội truyền thống cũng như việc chấp hành các quy định của nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo và thực hiện nếp sống văn minh đô thị khi tham gia lễ hội, Ban tổ chức lễ hội các phường, xã còn niêm yết công khai nội quy tổ chức lễ hội tại các nhà đền, đồng thời vẽ sơ đồ cụ thể đường đi của lễ rước kiệu để có kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông cho những người tham gia đoàn rước. Phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền tổ dân phố, thôn, xóm (đặc biệt là các cụ cao niên có uy tín trong cộng đồng dân cư) để vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa trong lễ hội. Lập danh sách những người tham gia chân cờ, chân kiệu, đánh trống. Nâng cao ý thức của người dân về vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, bảo vệ di tích… trong suốt quá trình diễn ra lễ hội.

Sau một thời gian triển khai, chuẩn bị, từ ngày 12/3 đến hết ngày  6/4 ( Lễ hội đền Đông Thịnh, phường Bích Đào; lễ hội đền Thượng, đình làng Khoái Thượng, đền Phúc Trung - xã Ninh Phúc; Lễ hội “ rước sắc 3 thôn”, “ làng nghề mộc” Phúc Lộc – phường Ninh Phong, phường Nam Bình; Lễ hội đền Phúc Khánh, đền Thượng, đền Phương Đình- phường Ninh Sơn; Lễ hội thôn Hoàng Sơn, xã Ninh Tiến) được tổ chức trang trọng với sự hiện diện của các đồng chí lãnh đạo Tỉnh, Thành phố, phường, xã, đông đảo nhân dân địa phương và hàng nghìn con em đang sinh sống, học tập trên mọi miền tổ quốc đã về tham dự.

Các lễ hội truyền thống được tổ chức với 2 phần chính (phần lễ và phần hội). Phần lễ gồm các nghi thức: mở cửa đền, dâng hương, tế lễ, rước kiệu, tế đồng quan, tế thánh…..nhằm tưởng nhớ công lao của các bậc quân vương, thánh hiền, bảo vệ giang sơn, bờ cõi, đồng thời gửi gắm ước mơ, cầu quốc thái dân an, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, nhân dân khỏe mạnh, ấm no, hạnh phúc, cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng giầu đẹp. Phần hội là các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao như: múa Lân, Rồng, trống hội, kéo chữ, múa cờ, chơi đu, chọi gà, hát chèo, chầu văn…..thu hút đông đảo nhân dân tham gia và thưởng thức.

Do làm tốt công tác chuẩn bị, tất cả các lễ hội trong những tháng đầu năm trên địa bàn thành phố đều diễn ra an toàn, đúng theo quy định của nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Công tác an ninh, trật tự được đảm bảo chặt chẽ, không xẩy ra đột xuất, bất ngờ, để lại ấn tượng sâu sắc đối với đại biểu, nhân dân về tham dự, cơ bản đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa truyền thống của nhân dân trên địa bàn và du khách thập phương khi đến với thành phố Ninh Bình.

Lê Thúy

Liên kết Website
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thông tin truy cập
  • Truy cập: 695625
  • Trực tuyến: 2
  • Hôm nay: 745